Chủ Nhật, 12 tháng 9, 2021

Giới thiệu qua về Đạo Hồi

Giới thiệu qua về Đạo Hồi

Hiểu Rõ về Hồi Giáo

Bài của Daniel C. Peterson

Giáo Sư ngành Nghiên Cứu về Hồi Giáo và Ả Rập, trường Brigham Young University

Xem thêm:

Giới thiệu qua về Đạo Giáo

Giới thiệu qua về Đạo Phật

Giới thiệu qua về Đạo Công Giáo

Giới thiệu qua về nho giáo

Xin lưu ý: Bởi vì rất quan trọng để thấu hiểu những người thuộc các tín ngưỡng khác, nên các vị lãnh đạo Giáo Hội cảm thấy sẽ hữu ích để đưa ra lịch sử khái quát và sự giảng dạy của Hồi Giáo, tôn giáo lớn thứ hai trên thế giới.

Tấm khảm thế kỷ 19 minh họa Kaaba ở Mecca, thành phố nơi Muhammad sinh trưởng và là thành phố chí thánh nhất trong thế giới Hồi Giáo.

Vì lý do xấu hay tốt, gần như không một ngày nào trôi qua mà Hồi Giáo và những người theo đạo Hồi không xuất hiện trên dòng đầu của tin tức. Có thể dễ hiểu rằng nhiều người không theo đạo Hồi—kể cả Các Thánh Hữu Ngày Sau—đều cảm thấy tò mò, thậm chí lo lắng. Chúng ta có chia sẻ bất cứ điều gì giống với những người láng giềng theo đạo Hồi của mình không? Chúng ta có thể sống và làm việc chung với nhau không?

Trước tiên, một số bối cảnh lịch sử có thể giúp ích:

Vào năm 610 Sau Công Nguyên, một thương gia Ả Rập tên là Muhammad leo lên những ngọn đồi ở phía trên trị trấn Mecca quê hương ông để suy ngẫm và cầu nguyện về tình trạng tôn giáo hỗn loạn xung quanh ông. Sau lần đó, ông cho biết rằng ông đã nhận được một khải tượng kêu gọi ông trở thành một vị tiên tri cho dân ông. Sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của tôn giáo được biết đến là Islam (iss-LAAM) tức là Hồi Giáo, một từ mà có nghĩa là “quy phục” (Thượng Đế). Một người tin theo đạo Hồi được gọi là Muslim (MUSS-lim), có nghĩa là “người quy phục.”

Kể từ lúc đó, Muhammad nói rằng ông đã nhận được nhiều điều mặc khải cho đến khi ông qua đời gần 25 năm sau đó. Ban đầu ông chia sẻ những điều mặc khải đó với dân chúng trong thị trấn của mình, cảnh báo về những sự phán xét thiêng liêng sẽ xảy đến; hô hào những người nghe ông phải hối cải và đối xử tử tế với những góa phụ, trẻ mồ côi, và người nghèo túng; thuyết giảng về sự phục sinh chung cho người chết và sự phán xét cuối cùng của Thượng Đế.

Tuy nhiên, sự nhạo báng và ngược đãi mà ông và những người theo ông phải chịu đựng trở nên mãnh liệt đến mức họ buộc phải chạy trốn đến thị trấn Medina, cách khoảng bốn ngày đi bằng lạc đà về phía bắc.

Ở đó, vai trò của Muhammad đã thay đổi một cách đột ngột.1 Từ việc chỉ là một người thuyết giáo và nói lời cảnh báo, ông trở thành luật sư, quan tòa, và nhà lãnh đạo chính trị của một trị trấn quan trọng ở Ả Rập, và sau này, của Bán Đảo Ả Rập. Sự thành lập ban đầu của một cộng đồng những người tin theo đã cho đạo Hồi một bản sắc tôn giáo dựa trên luật pháp và công lý mà tiếp tục là những điểm đặc trưng nổi bật và có ý nghĩa nhất.

Hai dòng chủ yếu đã nổi lên trong số những người theo Muhammad sau khi ông qua đời vào năm 632 Sau Công Nguyên, họ bắt đầu chia rẽ vì câu hỏi ai là người kế nhiệm ông với vai trò lãnh đạo cộng đồng Hồi Giáo.2 Dòng lớn nhất được gọi là Sunni (tự cho là tuân theo sunna, hoặc tập quán Muhammad và tương đối linh hoạt trong vấn đề kế nhiệm). Dòng kia, nổi lên với con rể của Muhammad, ‘Ali, được gọi là shi‘at ‘Ali (dòng ‘Ali) và hiện được biết đến rộng rãi chỉ là Shi‘a. Không giống như dòng Sunnis, Shi‘a (được biết đến là Shi‘ite hay là những tín đồ Hồi Giáo Shi‘i) tin rằng quyền để kế vị Muhammad với tư cách là các lãnh đạo trong cộng đồng sẽ thuộc về người nam, những người có họ hàng gần nhất với Tiên Tri Muhammad, ‘Ali, và những người kế tự của ông.

Mặc dù có những bất đồng, các tín đồ Hồi Giáo đã trở nên hợp nhất hơn về mặt tôn giáo so với những người theo đạo Cơ Đốc. Hơn nữa, trong vài thế kỷ vào khoảng năm 800 Sau Công Nguyên, nền văn minh Hồi Giáo có thể được cho là tiến bộ nhất trên thế giới về lĩnh vực khoa học, y tế, toán học, và triết học.

Nguồn Gốc Chung của cả Giáo Lý và Lối Thực Hành của Tín Đồ Hồi Giáo

Những điều mặc khải được cho là của Muhammad được thu thập và đóng thành sách gọi là kinh Qur’an (Koran) (từ một động từ tiếng Ả Rập là qara’a, “để đọc” hoặc “đọc thuộc lòng”) trong vòng một hoặc hai thập kỷ sau khi ông qua đời. Kinh Qur’an gồm có 114 chương, và không phải là câu chuyện kể về Muhammad. Giống như Sách Giáo Lý và Giao Ước, cuốn kinh này không hề mang tính chất tường thuật; những người theo đạo Hồi coi sách đó như là lời (và những lời) của Thượng Đế trực tiếp ban cho 

Các Ky Tô hữu đọc sách kinh đó sẽ tìm thấy nhiều đề tài quen thuộc. Ví dụ, sách này nói về việc Thượng Đế sáng tạo ra vạn vật trong bảy ngày, việc Ngài đặt A Đam và Ê Va vào trong Vườn Ê Đen, việc họ bị quỷ dữ cám dỗ, và sự kêu gọi một loạt các vị tiên tri sau đó (hầu hết các vị này cũng xuất hiện trong Kinh Thánh). Các vị tiên tri này được mô tả trong kinh Qur’an là tín đồ Hồi Giáo, vì đã quy phục lòng họ lên Thượng Đế.

Áp Ra Ham, được mô tả là một người bạn của Thượng Đế, được nhắc đến nhiều lần trong sách này.4 (Trong số nhiều điều khác, người ta tin rằng ông đã nhận được những điều mặc khải mà ông đã viết xuống nhưng kể từ khi đó đã bị thất lạc.5) Môi Se, Pha Ra Ôn, và cuộc hành trình ra khỏi xứ Ê Díp Tô của con cái của Y Sơ Ra Ên cũng đều được đề cập đến trong sách đó.

Đáng chú ý là Ma Ri, mẹ của Chúa Giê Su, được nhắc đến 34 lần trong kinh Qur’an, so với 19 lần trong Kinh Tân Ước. (Thực ra, bà là người phụ nữ duy nhất được nói đến trong kinh Qur’an.)

Một điều giảng dạy của kinh Qur’an thường xuyên được đề cập đến là giáo lý tawhid (taw-HEED), một từ mà có thể được phiên dịch là “thuyết một thần” hoặc, theo nghĩa đen, là “làm thành một.” Giáo lý này tượng trưng cho một trong các nguyên tắc căn bản của Hồi Giáo: rằng chỉ có một đấng trọn vẹn thiêng liêng độc nhất vô nhị mà thôi. Kinh Qur’an khẳng định rằng “Ngài không sinh con cái, và cũng không được sinh ra, và Ngài là độc nhất vô nhị.”6 Những gì chúng ta có thể rút ra từ điều này chắc chắn là sự khác biệt quan trọng giữa Hồi Giáo và Ky Tô Giáo: người theo Đạo Hồi không tin vào Đức Chúa Giê Su Ky Tô hay Đức Thánh Linh. Điều này cũng chỉ ra rằng, trong khi tất cả mọi người đều được Thượng Đế sáng tạo như nhau, nhưng theo như giáo lý của Hồi Giáo thì chúng ta không phải là con cái của Ngài.

Vả lại, các tín đồ Hồi Giáo tin rằng Chúa Giê Su là một vị tiên tri vô tội của Thượng Đế, được sinh ra bởi một nữ đồng trinh và được dự định là sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các sự kiện của những ngày sau. Ngài thường xuyên được nhắc tới một cách tôn kính trong kinh Qur’an.
Những Lời Giảng Dạy và Lối Thực Hành Cơ Bản của Hồi Giáo

Điều được gọi là “Năm Cột Trụ của Hồi Giáo”—đã được tóm lược một cách súc tích không phải trong kinh Qur’an nhưng trong một câu nói cổ truyền được đưa ra cho Muhammad—đã đặt ra một số giáo lý căn bản của Hồi Giáo:

1. Chứng ngôn

Nếu đạo Hồi có một tín điều chung, thì đó là shahada (sha-HAD-ah), “tuyên ngôn về đức tin,” hay là “chứng ngôn.” Thuật ngữ này ám chỉ một cụm từ tiếng Ả Rập mà được phiên dịch như sau: “Tôi làm chứng rằng không có thượng đế nào khác ngoài đấng Thượng Đế [Allah] và Muhammad là Sứ Giả của Thượng Đế.” Tuyên ngôn shahada này là cách để gia nhập đạo Hồi. Để trở thành một tín đồ Hồi Giáo, một người cần phải đọc tuyên ngôn đó với một niềm tin chân thành.

Trong tiếng Ả Rập, từ Thượng Đế được gọi là Allah. Đây là cách viết ngắn gọn của từ al- (“đấng”) và ilah (“thượng đế”), tuy không phải là một tên riêng nhưng là một danh xưng, và gần giống như từ Ê Lô Him trong tiếng Hê Bơ Rơ.

Vì không có chức tư tế trong đạo Hồi, nên cũng không có các giáo lễ chức tư tế. Cũng không hề có một “giáo hội” Hồi Giáo riêng lẻ nào. Vì thế, việc tuyên đọc shahada, trong một nghĩa nào đó, tương tự như phép báp têm đối với đạo Hồi. Hiện việc thiếu cơ cấu lãnh đạo chính thức, hợp nhất, và toàn cầu có nhiều ngụ ý khác. Ví dụ, không có một người nào lãnh đạo toàn thể tín đồ Hồi Giáo, không có ai lên tiếng cho toàn thể cộng đồng. (Muhammad gần như là vị tiên tri cuối cùng của chung mọi người.) Điều này cũng có nghĩa rằng không có giáo hội nào mà những tên khủng bố hoặc “những kẻ dị giáo” có thể bị khai trừ.

2. Sự Cầu Nguyện

Nhiều người không theo đạo Hồi đều biết về lễ nghi cầu nguyện của đạo Hồi gọi là salat (sa-LAAT), mà bao gồm một số lần sụp lạy nhất định, năm lần một ngày. Việc đọc lên các câu đã được quy định từ kinh Qur’an và chạm trán xuống đất biểu lộ sự quy phục khiêm nhường đối với Thượng Đế. Lời cầu nguyện tự ý hơn, gọi là du‘a, có thể được dâng lên bất cứ lúc nào và không đòi hỏi phải sụp lạy.

Đối với những lời cầu nguyện ban trưa vào ngày thứ Sáu, những người nam theo đạo Hồi được đòi hỏi phải, và các phụ nữ theo đạo Hồi được khuyến khích nên cầu nguyện trong thánh đường Hồi Giáo (tiếng Ả Rập là masjid, hoặc “nơi sụp lạy”). Ở đó, trong các nhóm chia theo giới tính, họ sắp thành hàng, cầu nguyện theo sự dẫn dắt của người thầy tế của thánh đường (ee-MAAM, tiếng Ả Rập là amama, có nghĩa là “ở đằng trước”), và lắng nghe một bài giảng ngắn. Tuy nhiên, ngày thứ Sáu không tương đương với ngày Sa Bát; mặc dù “ngày cuối tuần” ở hầu hết các quốc gia Hồi Giáo tập trung vào yawm al-jum‘a (“ngày tụ họp”) hoặc ngày thứ Sáu, nhưng làm việc vào ngày đó không bị cho là có tội.

3. Bố Thí

Zakat (za-KAAT, có nghĩa là “điều thanh sạch”) bao gồm việc hiến tặng từ thiện để hỗ trợ người nghèo khó, cũng như hỗ trợ các thánh đường và các công việc Hồi Giáo. Số tiền hiến tặng được tính là 2,5 phần trăm tổng số gia tài của một tín đồ trên một khoản tối thiểu nhất định. Tại một số quốc gia Hồi Giáo, số tiền này do các tổ chức chính phủ thu. Tại các quốc gia khác, số tiền đó là tự nguyện.

4. Nhịn Ăn

Mỗi năm, trong suốt tháng Ramadan tính theo lịch mặt trăng, các tín đồ Hồi Giáo sùng tín không ăn, không uống, và không quan hệ tình dục từ lúc mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn. Họ cũng thường xuyên tự mình cống hiến cho một công việc từ thiện giúp người nghèo khó và đọc kinh Qur’an trong suốt tháng.7

5. Hành Hương

Tín đồ Hồi Giáo có sức khỏe và các điều kiện để làm như vậy cần phải hành hương đến Mecca ít nhất một lần trong đời. (Việc hành hương về Medina, thành phố chí thánh thứ hai của Hồi Giáo, thường cũng bao gồm nhưng không bắt buộc.) Đối với các tín đồ Hồi Giáo trung tín, việc làm như thế là một sự kiện thuộc linh và cảm động vô cùng, tương tự như trực tiếp tham dự đại hội trung ương hay lần đầu tiên vào đền thờ.

Một Số Vấn Đề Hiện Tại

Ba vấn đề mà những người không theo đạo Hồi hiện đang lo lắng về Hồi Giáo là bạo lực tôn giáo; luật pháp Hồi Giáo hoặc luật shari‘a; và cách Hồi Giáo đối xử với phụ nữ.

Một số người cực đoan đã sử dụng thuật ngữ jihad duy nhất ám chỉ “thánh chiến,” nhưng từ đó thực ra có nghĩa là “công việc thiết thực,” trái ngược với việc “chỉ” cầu nguyện và học hỏi thánh thư.

Các luật gia và nhà tư tưởng Hồi Giáo có những hiểu biết khác nhau về cuộc thánh chiến. Các nguồn tài liệu luật pháp tiêu chuẩn cho rằng, chẳng hạn, rằng quân đội thánh chiến để được thừa nhận thì phải vì mục đích phòng thủ và rằng đối phương cần phải được báo trước và được phép có cơ hội để ngừng lại những hành động gây ra xung đột. Một số luật gia và và các nhà tư tưởng Hồi Giáo khác ngày nay tranh luận rằng cuộc thánh chiến có thể chỉ định bất cứ hành động thực tiễn nào nhằm mang lại lợi ích cho cộng đồng Hồi Giáo hoặc cải thiện thế giới nói chung. Muhammad được cho là đã phân biệt giữa cuộc “thánh chiến lớn hơn” và cuộc “thánh chiến nhỏ hơn.” Ông nói cuộc thánh chiến nhỏ hơn là chiến tranh. Nhưng cuộc thánh chiến lớn hơn là nhằm đấu tranh điều bất công cũng như sự chống cự riêng cá nhân của một người để sống ngay chính.

Ngày nay quân khủng bố Hồi Giáo tự cho là có nguồn gốc tôn giáo, nhưng người ta cho rằng chúng phản ánh những sự phàn nàn về xã hội, chính trị, và kinh tế mà không hề thực sự liên quan gì đến tôn giáo.8 Hơn nữa, thật là quan trọng để lưu ý rằng phần đông người theo đạo Hồi trên thế giới đều chưa tham gia vào nhóm khủng bố trong vấn đề bạo lực.9

Luật Shari‘a là một mối quan tâm khác đối với một số người không theo đạo Hồi. Đến từ kinh Qur’an và truyền thống hadith—những bài báo cáo ngắn về những gì Muhammad và các cộng sự của ông đã nói và làm mà tạo ra những mẫu mực của hành vi Hồi Giáo cũng như bổ sung và giải thích các đoạn trong thiên kinh Qur’an—đó là quy tắc ứng xử của đạo Hồi.10 Những quy định về cách ăn mặc của cả người nam và người nữ (chẳng hạn như hijab, hay là mạng che mặt) đều được tìm thấy trong luật shari‘a; mặc dù các quy luật là bắt buộc tại một số quốc gia Hồi Giáo, nhưng ở những quốc gia khác là sự lựa chọn của cá nhân. Luật Shari‘a cũng bao gồm những vấn đề như vệ sinh cá nhân; thời gian và nội dung của lời cầu nguyện; những quy định về hôn nhân, ly dị, và tài sản thừa kế. Vì vậy, khi người theo đạo Hồi cho biết trong bản khảo sát ý kiến là họ có mong muốn được cai quản bởi luật shari‘a, thì họ có thể hoặc có thể không đưa ra lời phát biểu về chính trị. Họ có thể chỉ nói rằng họ tha thiết sống cuộc sống thành thật của người theo đạo Hồi.

Nhiều người không theo đạo Hồi, khi nghĩ tới cách Hồi Giáo đối xử với phụ nữ, họ lập tức nghĩ tới tục đa hôn và mạng che mặt. Nhưng văn hóa thực tế còn phức tạp hơn nhiều. Nhiều đoạn trong kinh Qur’an khẳng định rằng người nam và người nữ là bình đẳng, trong khi những người khác dường như gán cho phụ nữ những vai trò thấp kém hơn. Chắc chắn có những lối thực hành ở nhiều quốc gia Hồi Giáo—thường với lịch sử bắt đầu trong văn hóa bộ lạc tiền Hồi Giáo hoặc những truyền thống khác đã có từ trước—cho rằng phụ nữ là phụ thuộc. Tuy nhiên, cách nhìn của người theo đạo Hồi đối với vai trò của phụ nữ khác nhau đáng kể từ quốc gia này đến quốc gia khác, và thậm chí trong cùng quốc gia.
Quan Điểm của Thánh Hữu Ngày Sau về Hồi Giáo

Bất chấp những niềm tin khác biệt của chúng ta, Các Thánh Hữu Ngày Sau có thể tiếp cận với việc xây đắp mối quan hệ với những người Hồi Giáo như thế nào?

Trước tiên, chúng ta cần nhận ra quyền của người theo đạo Hồi để “thờ phượng gì, bằng cách nào hay ở đâu tùy theo họ chọn” (Những Tín Điều 1:11). Vào năm 1841, Các Thánh Hữu Ngày Sau trong hội đồng thành phố Nauvoo đã ban hành một luật pháp về sự tự do tôn giáo để bảo đảm “sự tự do khoan dung, và đặc quyền bình đẳng” cho “những người theo đạo Công Giáo, Giáo Hội Trưởng Lão, Hội Giám Lý, Báp Tít, Thánh Hữu Ngày Sau, Quaker, Chế Độ Giám Mục Quản Lý Nhà Thờ, Chủ Nghĩa Phổ Quát, Thần Giáo Tự Nhiên, Mohammed [đạo Hồi], và tất cả các tôn giáo và giáo phái khác.”11

Chúng ta cũng nên nhớ rằng các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta nói chung đều vô cùng lạc quan về lòng biết ơn của họ đối với người sáng lập ra đạo Hồi. Ví dụ, vào năm 1855, vào lúc mà nhiều Ky Tô hữu lên án Muhammad là kẻ chống Chúa Giê Su, Anh Cả George A. Smith (1817–1875) và Parley P. Pratt (1807–1857) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã đưa ra hai bài thuyết giảng dài không những cho thấy một kiến thức đầy ấn tượng và sự hiểu biết hợp lý về lịch sử Hồi Giáo mà còn ca ngợi chính Muhammad. Anh Cả Smith bình luận rằng Muhammad “không hề nghi ngờ gì đã được Thượng Đế chủ ý nâng đỡ” để thuyết giảng chống lại sự thờ phượng hình tượng, và ông bày tỏ lòng cảm thông đối với các tín đồ Hồi Giáo, mà giống như Các Thánh Hữu Ngày Sau, nhận thấy là khó “để có một lịch sử trung thực” viết về họ. Phát biểu ngay sau đó, Anh Cả Pratt đã bày tỏ sự thán phục đối với những lời giảng dạy của Muhammad và đối với đạo đức và những tập tục của xã hội Hồi Giáo.12

Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn đã đưa ra một lời tuyên bố chính thức gần đây hơn vào năm 1978. Lời tuyên bố đó đề cập cụ thể đến Muhammad trong số “các nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc trên thế giới,” nói rằng giống như họ, ông cũng “nhận được một phần ánh sáng của Thượng Đế. Các lẽ thật đạo đức là do Thượng Đế ban cho [các nhà lãnh đạo này],” Chủ Tịch Spencer W. Kimball, N. Eldon Tanner, và Marion G. Romney, đã viết “để làm sáng tỏ cho toàn thể các quốc gia và mang đến cho các cá nhân một mức độ hiểu biết cao hơn.”13

Xâp Đắp Mối Quan Hệ Dựa Trên Quan Điểm Chung

Mặc dù Các Thánh Hữu Ngày Sau và các tín đồ Hồi Giáo rõ ràng là khác biệt trong những vấn đề quan trọng—đáng chú ý là thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô, vai trò của Ngài với tư cách là Đấng Cứu Rỗi, và sự kêu gọi của các vị tiên tri thời hiện đại—nhưng chúng ta cũng có nhiều điểm giống nhau. Ví dụ, chúng ta đều tin rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm giải trình về mặt đạo đức trước Thượng Đế, rằng chúng ta cần đạt được cả sự ngay chính cá nhân và có được một xã hội tốt và công bằng, và rằng chúng ta sẽ được phục sinh và đưa đến trước Thượng Đế để được phán xét.

Cả các tín đồ Hồi Giáo và Các Thánh Hữu Ngày Sau đều tin vào tầm quan trọng sống còn của gia đình vững mạnh và vào lệnh truyền thiêng liêng để giúp đỡ người nghèo khó và túng thiếu và rằng chúng ta cho thấy đức tin của mình qua những hành động của vai trò môn đồ. Dường như không có lý do gì Các Thánh Hữu Ngày Sau và các tín đồ Hồi Giáo lại không thể cùng nhau sát cánh tuân theo tôn giáo của mình, khi có cơ hội, bằng cách cùng nhau hợp tác trong những cộng đồng, nơi mà chúng ta càng thấy nhiều và nhiều hơn nữa rằng chúng ta có nhiều điểm tương đồng với nhau trong một thế giới càng ngày càng trở nên thế tục. Cùng nhau, chúng ta có thể chứng minh rằng đức tin tôn giáo có thể là một mãnh lực cho điều tốt lành và không chỉ đơn thuần là nguồn gốc của sự xung đột và thậm chí bạo lực, như một số nhà phê bình tranh luận.

Chính kinh Qur’an gợi ý về một cách sống hòa bình với nhau bất kể những điều khác biệt: “Nếu Thượng Đế muốn, Ngài có thể đã làm cho chúng ta thành một cộng đồng thôi. Nhưng Ngài mong muốn thử thách chúng ta về điều Ngài đã ban cho chúng ta. Vì thế, hãy thi đua với nhau trong những việc làm tốt. Chúng ta đều sẽ trở về với Thượng Đế, và Ngài sẽ cho chúng ta biết lý do của những điều chúng ta đã từng bất đồng.”14


Nguồn: https://www.churchofjesuschrist.org/study/liahona/2018/04/understanding-islam?lang=vie

0 comments:

Đăng nhận xét