Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

CÁC LOẠI GIA VỊ TỔNG HỢP KHÔNG THỂ THIẾU TRONG BẾP

Rượu hoặc gừng để khử mùi tanh của cá; húng quế, lá bạc hà tạo hương thơm cho thịt bò. Hãy cùng tham khảo nhé!

CÁC LOẠI GIA VỊ TỔNG HỢP KHÔNG THỂ THIẾU TRONG BẾP

Các loại gia vị tổng hợp:

Đường, muối, tiêu, tỏi... là những gia vị rất quen thuộc trong bếp nhà bạn nhưng không phải lúc nào bạn cũng sử dụng đúng cách.

Để món ăn có thêm chút màu sắc thì ớt bột là một lựa chọn phù hợp. Mùi vị của ớt bột không quá cay nồng như ớt tươi nên sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng của món ăn.

Gừng và hành khô

Sau khi cá sôi 6-7 phút cho gừng vào sẽ có tác dụng khử tanh tốt nhất. Hành có thể thêm vào sớm hơn, khi đổ nước vào nồi cá kho là lúc có thể cho hành vào. Với món cá hấp, dùng hành lót dưới cá làm cá thơm và ngon hơn.

Tỏi

Tỏi thường được giã hoặc bằm nát rồi cho vào thịt bò, heo, gà trong quá trình sơ chế. Không nên dùng quá nhiều tỏi vì mùi tỏi sẽ lấn át mùi thơm của thịt. Những món xào, hầm, hoặc thịt chiên dùng tỏi là thích hợp nhất. Với rau xào, tỏi được cho vào lúc dầu ăn vừa nóng để khử mùi và tạo độ thơm cho món ăn.

Tiêu

Không chỉ giúp tạo mùi thơm cho món ăn, tiêu xay còn mang đến hương vị tự nhiên, giúp món ăn đậm đà hơn. Tiêu xay càng để lâu càng mất mùi, nên tốt nhất là bạn chỉ xay một lượng vừa đủ dùng. Khác với tiêu xay, tiêu hạt thường được dùng khi còn xanh và thích hợp cho các món hầm.

Muối

Trong các loại muối, muối biển luôn là lựa chọn hàng đầu của các bà nội trợ vì chúng có hàm lượng natri thấp, lại chứa iốt. Muối thích hợp với các loại thực phẩm như trứng, thịt gia cầm, cá, hải sản và súp.

Nếu cần thịt đậm đà mà không bị giảm độ ngọt thì nên cho muối trước. Ngược lại, khi nấu canh, cần vị ngọt từ xương thì nên nấu một lúc cho nước canh ngọt mới nêm muối. Với món xào, hãy cho muối vào dầu, khoảng một phút sau mới cho thực phẩm vào. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ đến 95% độc tố aflatoxin có trong muối.

Đường

Bạn nên cho đường vào món ăn trước khi cho muối để tránh sự bay hơi của muối, làm món ăn không đậm đà. Khi làm các món rán và nướng, chỉ nên dùng ít đường để ướp thực phẩm. Nếu dùng nhiều, món ăn rất dễ cháy khét, bị sậm màu gây mất thẩm mỹ và có vị đắng.

Bột cà ri

Không chỉ là gia vị chính để nấu món cà ri, bột cà ri còn được dùng để tẩm ướp các loại thịt như bò, heo và gia cầm để làm tăng mùi thơm và giúp thịt đậm đà hơn.

Nước tương

Không nên nấu nước tương ở nhiệt độ cao quá lâu vì nước tương sẽ bị phá hủy các chất dinh dưỡng và làm mất hương vị. Do đó khi xào rau nên cho nước tương vào sau cùng rồi bắc ra ngay.

Nước mắm

Nước mắm là loại gia vị đặc trưng trong chế biến món ăn Việt Nam. Ngoài tác dụng kích thích sự thèm ăn và tiêu hóa, nước mắm còn chứa nhiều chất bổ dưỡng như chất đạm và các loại vitamin A, D và B12. Do đó, khi chế biến, không nên đun lâu nước mắm trên bếp.

Với món canh, nước mắm được cho vào canh sau cùng, rồi bắc ra ngay. Không nêm nước mắm và để sôi lâu trên bếp sẽ mất ngon do hương vị nước mắm bị biến đổi. Với món thịt kho, nên kho thịt gần mềm với các loại gia vị khác rồi mới cho nước mắm vào, kho thêm một thời gian ngắn nữa, thịt không bị cứng và thơm ngon hơn.

Bột ngọt

Khi nấu đến nhiệt độ hơn 120oC, bột ngọt sẽ biến thành sodium glutamate, không chỉ làm mất hương vị thức ăn mà còn gây ra chất độc hại. Tốt nhất nên cho bột ngọt vào khi thức ăn đã chế biến xong.

Dấm

Khi nấu canh rau hay luộc rau, nên cho thêm một chút dấm giúp giữ lại vitamin C trong rau, thúc đẩy sự hòa tan các khoáng chất như canxi, phốt pho, sắt… và nâng cao hiệu quả hấp thụ các chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Rượu trắng

Khi nấu món cá, cho thêm một chút rượu có thể loại bỏ mùi tanh và tạo hương thơm cho món ăn. Thời gian thích hợp nhất để cho rượu phải căn cứ vào sự khác nhau của nguyên liệu. Ví dụ: cá kho, xào tôm, xào thịt nên cho rượu vào lúc thức ăn đã chín, các món hầm, lẩu, súp… nên cho rượu vào lúc đã sôi chín.

Dầu ăn

Nhiệt độ dầu lên đến trên 200oC, dầu có thể sản sinh ra một khí độc hại được gọi là “acrolein”. Nó là thành phần chính khiến dầu ăn sản sinh ra một lượng lớn peroxide gây ung thư. Hãy cho thức ăn vào lúc dầu bắt đầu nóng để tránh làm mất chất dinh dưỡng của thức ăn và có hại có sức khỏe.

Thìa là

Đây là rau thường được dùng cho các món súp, canh riêu cá hoặc các món có rau xanh. Hương thơm của thìa là giúp khử mùi tanh của cá và những loại thịt có mùi hơi đậm. Riêng với rau xanh, thìa là mang lại hương vị lạ, làm mới các món rau thường dùng.

Các loại rau mùi như húng quế, húng tây, bạc hà

Trộn thịt bò với húng quế, húng tây, lá bạc hà thịt sẽ có hương thơm tự nhiên rất ngon. Trộn vài gia vị như hồi, húng quế, lá thìa là, rau mùi, nước chanh... với thịt lợn sẽ làm món thịt này thơm hơn. Thịt vịt sẽ rất hấp dẫn khi ướp cùng lá bạc hà, lá hương thảo trước khi chế biến.

Quế

Với hương thơm nồng và vị cay, nóng ấm, quế chính là loại gia vị phù hợp với các món ngọt. Một chút quế sẽ giúp các món bánh nướng tỏa mùi thơm ngát và trở nên ngọt ngào hơn. Quế còn được cho vào một số loại đồ uống nóng như trà, kèm với chút mật ong sẽ mang đến một thức uống vừa thơm ngon vừa tốt cho sức khỏe.

Trà

Trà xanh dùng trong một số món nướng giúp tăng hương vị cho món ăn. Trà đen có thể được dùng trong các món súp và nước sốt thịt để tạo ra những mùi vị đặc trưng riêng cho món ăn.

Mẹo dùng các loại lá gia vị:

Hương thơm từ các loại gia vị như lá cà ri, hoa hồi, quế... luôn là một bổ sung hiệu quả, làm tăng sức hấp dẫn cho món ăn. Dưới đây là những hướng dẫn của đầu bếp Hải Hòa để làm thế nào có thể sử dụng các loại gia vị đó một cách hiệu quả nhất:


- Những gia vị thuộc họ hồi, nhiều tinh dầu như hoa tiêu, hồi, quế thì cần phải rang hoặc nướng lên theo kiểu “sao vàng hạ thổ”, khi đó chúng mới thực sự thơm. Sau khi rang, nhất thiết phải để nguội rồi mới dùng, không dùng trực tiếp ngay khi vừa rang. Có thể trút gia vị lên mặt một miếng đá sạch, dùng chén úp lại để giữ mùi thơm, sau đó dùng lúc nào tùy ý.

- Với lá cà ri, nếu dùng lá tươi thì nấu cà ri xong mới cho vào. Như thế mới giữ được hương thơm. Nếu dùng lá khô thì có thể cho vào sớm hơn. Nhưng lá cà ri sau khi nấu phải vớt bỏ, không ăn.

- Muốn một món chiên thoang thoảng mùi cà ri thì cho lá cà ri vào chiên, vớt ra rồi dùng dầu đó chiên thức ăn. Đôi khi thực khách khó mà nhận ra mùi hương vừa lạ vừa quen đó là gì, nhưng sẽ nhận thấy món ăn thơm ngon hẳn. Lá cà ri chiên xong có thể dùng trang trí cũng rất đẹp.

- Các loại lá thơm khô thường dùng để làm sốt hay nấu súp. Muốn thơm, phải phi lá qua với dầu hoặc bơ, nhưng chỉ làm dầu vừa nóng là thả lá vào, đủ để 'đánh thức' mùi hương của lá. Sau đó cho rượu và nước vào nấu chung. Như thế lá sẽ rất dậy mùi. Nếu có lá tươi thì không cần phải phi trước mà có thể cho vào sau cùng hoặc khi đang nấu nửa chừng đều được.

Gia vị làm lành vết thương:

Gia vị không chỉ làm cho các món ăn trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn mà còn có tác dụng chữa bệnh, bao gồm những đặc tính giúp làm lành vết thương. Chính những đặc tính này đã khiến gia vị có mặt trong những loại thuốc chữa bệnh truyền thống. Sau đây là một số gia vị có tác dụng tốt như đã nói trên.

Gia vị là một phần không thể thiếu trong bất kỳ gian bếp nào. Nhưng thường chúng ta không biết hết những giá trị tiềm ẩn của chúng.

Gừng: cùng với mật ong có thể chữa đau họng và tức ngực. Gừng cũng rất tốt cho quá trình tiêu hóa.

Tỏi: chứa chất allicin vốn có tác dụng rất tốt cho tim. Nó giúp kiểm soát mức cholesterol. Tỏi có những đặc tính kháng khuẩn giúp làm lành tình trạng viêm sưng bên trong cơ thể.

Đinh hương: là một phần quan trọng trong ẩm thực châu Á. Đinh hương chứa chất eugenol, là chất có đặc tính kháng khuẩn. Đinh hương rất hữu dụng trong việc chữa đau răng.

Nghệ: là một loại gia vị có nhiều lợi ích sức khỏe. Nghệ có những đặc tính kháng viêm và kháng khuẩn. Gạc nóng với nghệ có thể làm lành tình trạng viêm sưng và dị ứng.

Quế: chứa chất eugenol giúp làm lành tình trạng viêm sưng. Nhưng đặc tính được biết đến nhiều nhất của nó là khả năng điều trị tình trạng kháng insulin ở các bệnh nhân tiểu đường.

Mù tạt: là một loại gia vị có thể được dùng để điều trị chứng tức ngực. Nó cũng có những đặc tính kháng ung thư.

Húng tây: Loại gia vị này có thể được dùng để trị chứng ợ nóng hay khó tiêu. Ngoài ra, húng tây còn có thể giúp trị chứng nhiễm trùng da đầu và gàu khi được bổ sung vào dầu gội.

Rau mùi: có khả năng giúp bạn tiêu hóa dễ dàng hơn. Rau mùi cũng rất hữu dụng đối với những người bị các tình trạng bệnh mãn tính như hội chứng ruột kích thích.

Húng quế: loại gia vị này có đặc tính kháng khuẩn, những chất chống ô xy hóa giúp trị cảm lạnh và tiêu diệt vi rút trong cơ thể. Húng quế cũng góp phần thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể.Nhục đậu khấu: là loại gia vị có những đặc tính kháng khuẩn. Tuy nhiên, chỉ nên dùng hạt nhục đậu khấu với số lượng nhỏ.

Bốn loại gia vị tốt cho da

Nghệ: Nghệ là một loại gia vị có đặc tính kháng viêm. Xay nghệ thành bột, hòa với nước và thoa hỗn hợp lên da, cổ sẽ giúp loại bỏ mụn trứng cá.

Tiêu đen: Một trong những thành phần tốt nhất cho việc chăm sóc da là tiêu đen. Tiêu đen có thể được sử dụng như mặt nạ tẩy tế bào chết. Hạt tiêu đen và sữa chua được pha trộn thành hỗn hợp đắp lên da mặt. Rửa sạch sau 10 phút khi khô.

Quế: Quế cũng là một loại gia vị tốt cho da. Hỗn hợp quế và nước thoa lên da và cổ giúp loại bỏ mụn, làm da bớt nóng rát.

Gừng: Để có được một làn da rạng rỡ, gừng là loại gia vị tốt nhất. Gừng có khả năng cải thiện màu da và giảm mụn. Chà gừng tươi trên khuôn mặt và để trong 20 phút, sau đó rửa mặt bằng nước lạnh.

Chế biến gia vị tại nhà:

Giấm nuôi: Để có được chai giấm ngon, ta dùng 1/2 lượng nước của trái dừa xiêm, 1/3 xị rượu trắng, 3 muỗng canh đường, 1 trái chuối xiêm hoặc chuối hột đập dập, bóp cho tơi ra thành từng miếng nhỏ.

Tất cả trộn vào nửa lít nước lọc, khuấy đều. Sau đó đổ hỗn hợp trên vào keo thủy tinh, đậy nắp thật chặt, để nơi khô ráo, tránh dịch chuyển keo. Khoảng 1 tuần sau thấy nổi lên một màng mỏng giống cơm dừa thì màng mỏng đó gọi là con giấm. Chiết lấy nước giấm ra chai nhỏ để dành pha trộn, nêm nếm thức ăn.

Nước màu: Lấy 3 muỗng canh đường cát vàng đổ vào chảo nhỏ, bắc lên bếp lửa riu riu, khuấy đều cho đến lúc hơi sệt, đổ một ít nước dừa hoặc nước lọc vào khuấy tiếp khoảng vài phút cho đến khi tan hết đường, tắt bếp, để nguội, sau đó đổ nước màu vào hũ nhỏ.

Ớt sa tế: Ớt sừng trâu đỏ xay nhuyễn; tỏi, củ hành tím, sả bằm nhuyễn; đâu phộng rang giã nhỏ. Bắc chảo dầu lên bếp lửa vừa, cho sả vào xào hơi vàng, sau đó cho tỏi và củ hành tím vào xào chung, sao cho tỏi và hành tím hơi săn lại, trộn đều tay để tránh bị khét. Tiếp theo cho ớt xay vào trộn chung, cho thêm một ít bột nêm và muối vào, tiếp tục trộn đến khi dậy lên mùi nồng của hỗn hợp trên, cuối cùng để đậu phộng vào cho thơm. Tắt bếp, để nguội, cho vào keo nhỏ.

Bí quyết sử dụng gia vị cho thật chuẩn
Các loại rau gia vị có công dụng chữa bệnh cực tốt
Bảo quản gia vị không phải ai cũng biết cách
Các loại rau húng làm gia vị
Củ gừng, gia vị, vị thuốc
Bảo quản, xử dụng và xử lý gia vị

....


Nguồn: Phununet

0 comments:

Đăng nhận xét